Viết nội dung là một lĩnh vực quen thuộc trong ngành marketing với những vị trí công việc hấp dẫn như Content Writer hay Copywriter. Tuy nhiên, ít người biết rằng nghề viết nội dung còn có nhiều vị trí đặc thù, không kém phần quan trọng khác như UX Writer và Technique Writer với vai trò vô cùng đặc biệt trong việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Hãy cùng tìm hiểu và phân biệt 4 vị trí chủ đạo trong Marketing: Content writer, Copywriter, UX Writer và Technical Writer trong bài viết này nhé!
Content Writer – Chinh phục khách hàng bằng nội dung giá trị
Content Writer dùng để chỉ vị trí công việc viết nội dung, trong đó nội dung này phải có tính chia sẻ, cung cấp những thông tin hữu ích và có giá trị cho khách hàng. Những nội dung này có vai trò khơi gợi nhu cầu của khách hàng và tạo dựng niềm tin của họ đối với sản phẩm, thương hiệu.
Content Writer là một phần không thể thiếu trong các chiến dịch Inbound Marketing của mỗi thương hiệu. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của Content Writer trên mọi nền tảng, từ các bài viết chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội, blog thương hiệu, báo chí,…
Mục đích của Content Writer:
Giống như các hoạt động marketing khác, Content Writer hướng tới việc thu hút và chuyển đổi hành vi mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, vị trí công việc này không trực tiếp kích thích khách hàng mua ngay mà khiến họ hình thành nhu cầu và tin tưởng vào thương hiệu. Qua đó thúc đẩy hành vi mua sắm một cách gián tiếp, đồng thời tạo sự kết nối lâu dài giữa thương hiệu và khách hàng.
Đối tượng của Content Writer là những độc giả đang tìm kiếm thông tin, kiến thức,… về các lĩnh vực liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Copywriter – Thu hút khách hàng với nghệ thuật ngôn từ
Copywriter là những người viết nội dung nhằm mục đích bán hàng trực tiếp, sử dụng ngôn từ hấp dẫn, lôi cuốn để thúc đẩy khách hàng hành động ngay lập tức như mua hàng, điền thông tin, đăng ký mua, v.v…
Ngược lại với Content Writer, Copywriter là một phần của chiến dịch Outbound Marketing, mang lại kết quả nhanh chóng và thường là ngắn hạn. Những nội dung này thường không có khả năng thuyết phục khách hàng hiệu quả như Content Writer nhưng lại mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao và nhanh chóng.
Mục đích của Copywriter
Copywriter tạo ra nội dung nhằm mục đích quảng cáo, buộc khách hàng phải đưa ra quyết định mua hoặc thực hiện hành động cụ thể ngay lập tức. Vì vậy, hầu hết các nội dung do Copywriter tạo ra sẽ hướng tới mục tiêu chính là bán hàng.
Copywriter thường sẽ tập trung vào các nhóm khách hàng có tiềm năng mua hàng cao nhất.
UX Writer – Tối ưu hành trình trải nghiệm của khách hàng
UX writer là thuật ngữ dùng để chỉ người viết nội dung liên quan đến trải nghiệm người dùng, thường là trên một ứng dụng hoặc trang web. Những nội dung từ UX Writer giúp người dùng trải nghiệm ứng dụng, website,… dễ dàng và mượt mà hơn.
Bạn có thể gặp những nội dung do UX Writer tạo ra khi sử dụng ứng dụng, website như: Trang chào mừng khi mở ứng dụng, cảnh báo về mật khẩu, thông báo nút tương tác, hướng dẫn tạo tài khoản…
Mục đích của UX writer
UX writer tập trung vào trải nghiệm người dùng, nghĩa là làm thế nào người dùng có thể hiểu và hành động một cách thoải mái và dễ dàng nhất. Ngoài ra, họ còn tham gia xây dựng cấu trúc thông tin, sitemap,… để đảm bảo user flow diễn ra được mượt mà nhất.
Vì vậy, các UX writer có vai trò rất quan trọng trong việc giữ chân người dùng trên ứng dụng/website, đảm bảo hành trình mua hàng diễn ra thuận lợi và không bị gián đoạn.
Technical Writer – Tối ưu hành trình sử dụng sản phẩm của khách hàng
Technical Writer là người viết tài liệu kỹ thuật, báo cáo hoặc hướng dẫn sử dụng về sản phẩm cho người dùng cuối hoặc để nhân viên nội bộ của doanh nghiệp sử dụng để hiểu sản phẩm. Technical Writer là những người viết đòi hỏi trình độ kiến thức chuyên môn và kỹ thuật rất cao, bởi họ cần chuyển những thuật ngữ chuyên ngành thành ngôn ngữ dễ hiểu đối với từng đối tượng cụ thể.
Mục đích của Technical Writer
Technical Writer với mục đích để đơn giản hóa các yếu tố và quy trình kỹ thuật phức tạp thành các tài liệu dễ hiểu và hữu ích cho các nhóm độc giả. Những tài liệu này chủ yếu phục vụ hai nhóm đối tượng chính:
Người dùng cuối cùng: Để giúp người dùng hiểu rõ hơn về cấu trúc, tác dụng và đặc biệt là sử dụng sản phẩm chính xác và hiệu quả nhất. Góp phần tạo ra trải nghiệm tốt hơn và khiến người dùng hài lòng hơn với sản phẩm.
Nội bộ doanh nghiệp: Technical Writer cũng tạo nên các bản mô tả sản phẩm cho các bộ phận nội bộ của doanh nghiệp như: Nhân viên kinh doanh, Marketing, Chăm sóc khách hàng,… Từ đó, các team nội bộ có thể thúc đẩy việc bán sản phẩm và tạo ra những thông điệp quảng cáo phù hợp và chính xác nhất.
Lời kết
Như vậy, nghề viết nội dung hiện nay ngày càng trở nên đa dạng với nhiều vị trí công việc khác nhau, mở ra những cơ hội việc làm hấp dẫn. Đặc biệt, dù có sự khác biệt về yêu cầu công việc nhưng có thể thấy, những người làm trong lĩnh vực viết nội dung luôn cần phải có sự hiểu biết rất sâu sắc về sản phẩm cũng như insight của độc giả.