Gen Z dẫn đầu cuộc cách mạng về xu hướng thời trang bền vững

0
231

Xu hướng thời trang bền vững đã và đang len lỏi vào văn hóa đại chúng. Thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, đang dần “ra quân” trong hành trình đánh thức xu hướng thời trang thân thiện với môi trường.

4 xu hướng phát triển thời trang bền vững phổ biến hiện nay

Thời trang đã qua sử dụng (Second hand hay resale)

Trong ngành thời trang, secondhand là một xu hướng thời trang được biết đến khi người dùng tái sử dụng những sản phẩm đã qua tay người khác nhưng vẫn còn khá mới với mức giá phải chăng. Các sản phẩm thời trang cũ sẽ có độ bền khoảng 50% – 70% so với ban đầu.

Việc mua hoặc cho thuê những món đồ đã sở hữu trước đó không chỉ thỏa mãn nhu cầu làm mới mà còn giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm. Đây cũng là yếu tố giúp thúc đẩy thị trường resale.

Thời trang đã qua sử dụng (Second hand hay resale)

Ngược lại với thế hệ cũ vốn tập trung vào khái niệm sở hữu lâu dài khi mua một món đồ, khách hàng trẻ ngày nay đánh giá cao giá trị của trải nghiệm và sẵn sàng mua lại món đồ mình yêu thích. Đồng thời, bạn có thể bán lại chúng cho những người khác có nhu cầu và tiếp tục săn lùng resale mới.

Thị trường resale dự kiến sẽ tăng từ 28 tỷ USD năm 2019 lên 64 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 7% thị trường thời trang cao cấp. Theo đó, Millennials và Gen Z là những người đón đầu xu hướng thời trang cũ nhanh hơn 2,5 lần so với các nhóm tuổi khác, dựa trên thống kê từ ThredUP – một doanh nghiệp kinh doanh thời secondhand trực tuyến lớn nhất thế giới.

Thời trang tái chế, biến cũ thành mới (Upcycling)

Nếu xu hướng second hand là đồ cũ còn mới được làm sạch và bán lại, còn recycle là tái chế hoàn toàn mới, thì upcycling là xu hướng ở giữa, vừa tận dụng đồ cũ còn mới, vừa kết hợp tái tạo thành một món đồ mới. Ví dụ, kết hợp áo khoác jean cũ với phần ren của váy để tạo thành một chiếc áo khoác hoàn toàn mới.

Thời trang tái chế, biến cũ thành mới (Upcycling)

Dù bị cho là “dị” và “kỳ quái” nhưng thế hệ Z vẫn nổi bật với sự đổi mới trong thời trang nhờ những món đồ có một không hai ra đời từ xu hướng thời trang upcycling. Xu hướng này giúp Gen Z tìm thấy giá trị riêng của mình, đồng thời giúp họ thể hiện cá tính trong từng bộ trang phục.

Thời trang cho thuê (Rental)

Báo cáo của Bain & Company dự đoán rằng “sang trọng bền vững” sẽ là xu hướng phát triển trong thập kỷ tới, và thời trang cho thuê đang đặt những viên gạch đầu tiên. Trong tương lai gần, xu hướng cho thuê quần áo trực tiếp, trong đó người dùng ký gửi quần áo cho một nền tảng trung gian có thể sẽ được nhân rộng.

Ở Việt Nam, dịch vụ cho thuê thời trang chưa phổ biến nhưng ở nước ngoài lại cực kỳ thịnh hành. Cho thuê thời trang hay cho thuê đồ đã qua sử dụng hoạt động dựa trên hai mục đích chính: một là thỏa mãn nhu cầu sở hữu quần áo của các tín đồ trong thời gian ngắn với giá tiết kiệm và hai là để bảo vệ môi trường tự nhiên.

Thời trang cho thuê (Rental)

Ngành công nghiệp cho thuê quần áo trực tuyến được định giá 1,2 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 2,8 tỷ USD vào năm 2027. Các đại diện tiêu biểu ở mảng này có thể kể đến như Rent The Runway (Mỹ), GlamCorner (Úc) My Wardcoat HQ (Anh), hay Style Theory ( Singapore)…

Thời trang tuần hoàn – bước tiến tiếp theo của ngành thời trang

Ngành thời trang hiện nay không chỉ lãng phí mà còn tham lam khi đòi hỏi phải vắt kiệt tài nguyên đất đai, nước, dầu, hóa chất cũng như gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

Trong bối cảnh đó, dù chỉ mới xuất hiện vào năm 2014 nhưng từ “tuần hoàn” đã nhanh chóng trở thành khái niệm bền vững được đón nhận nồng nhiệt trong lĩnh vực thời trang.

Thời trang tuần hoàn – bước tiến tiếp theo của ngành thời trang

Có tới 90 thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ, từ Nike đến Adidas, Ganni đến Reformation, Lacoste đến VF Corporation đã ký vào Bảng cam kết Hệ thống Thời trang Tuần hoàn 2020 của Global Fashion Agenda.

Không chỉ đơn giản là loại bỏ chất thải và sử dụng nguyên liệu thô, thời trang tuần hoàn còn phải xem xét khía cạnh thiết kế sản phẩm từ khâu sản xuất, sử dụng đến xử lý cuối cùng. Ví dụ, sử dụng sợi đơn thay vì sợi pha trộn, nhằm đảm bảo rằng các phụ kiện may mặc có thể dễ dàng phân hủy và có thể dễ dàng tái sử dụng.

Một cuộc cách mạng thời trang mang tính bảo vệ môi trường đang được thúc đẩy bởi Gen Z. Họ đang dần chuyển sang xu hướng thời trang bền vững, mua quần áo cũ, làm mới quần áo cũ và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here